Trong năm 2023 vừa qua, lĩnh vực công nghệ đã có những tiến bộ nhanh chóng, từ những phát triển đáng kinh ngạc về AI tạo sinh (Gen AI) cho đến những tiến bộ trong điện toán lượng tử. Dưới đây là 10 xu hướng công nghệ mà Gartner – Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin của Hoa Kỳ dự báo cho năm 2024.
1. Dân chủ hóa AI tạo sinh
Đến năm 2026, theo dự báo của Gartner, hơn 80% doanh nghiệp sẽ sử dụng các mô hình và giao diện lập trình ứng dụng (API) Gen AI và/hoặc các ứng dụng được hỗ trợ Gen AI trong môi trường sản xuất sẽ tăng so với năm 2023. Việc dân chủ hóa GenAI sẽ giúp người dùng là các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ, mở rộng đáng kể kiến thức và kỹ năng trong doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Viện Công nghệ Massachusetts, GenAI và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đang dân chủ hóa khả năng tiếp cận AI, cuối cùng đã tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp đối với AI. Matei Zaharia, đồng sáng lập và là Giám đốc Công nghệ tại Công ty Phần mềm Databricks, Hoa Kỳ, cho rằng: “Gen AI đang thúc đẩy đột phá trong mọi ngành công nghiệp và các giám đốc công nghệ thông tin (CIO) nhận ra rằng việc khai thác AI không còn là điều tốt nữa mà là bắt buộc để duy trì tính cạnh tranh”.
2. Quản lý độ tin cậy, rủi ro và bảo mật AI
Với khả năng tiếp cận rộng rãi AI, nhu cầu quản lý độ tin cậy, rủi ro và bảo mật AI (TRiSM) trở nên cấp thiết hơn. Nếu không có rào cản, các mô hình AI có thể nhanh chóng tác động tiêu cực vượt ngoài tầm kiểm soát, làm lu mờ mọi hiệu quả tích cực và lợi ích xã hội mà AI mang lại. Gartner dự đoán, đến năm 2026, các doanh nghiệp áp dụng biện pháp kiểm soát AI TriSM, sẽ tăng độ chính xác trong việc ra quyết định bằng cách loại bỏ thông tin bị lỗi và bất hợp pháp.
3. Phát triển AI tăng cường
Theo Gartner, công nghệ phần mềm được AI hỗ trợ, giúp các nhà phát triển tăng năng suất và cho phép các nhóm phát triển giải quyết nhu cầu thúc đẩy sử dụng phần mềm để điều hành doanh nghiệp.
4. Ứng dụng thông minh
Các ứng dụng thông minh bao gồm trí thông minh, theo Gartner định nghĩa là khả năng thích ứng đã học được để phản ứng một cách phù hợp và tự chủ như một khả năng. Trí thông minh này có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp để tăng cường hoặc tự động hóa công việc hiệu quả hơn. Trí thông minh với vai trò là khả năng nền tảng trong các ứng dụng, bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau dựa trên AI, chẳng hạn như máy học, lưu trữ vectơ và dữ liệu được kết nối.
Kết quả khảo sát các Tổng giám đốc điều hành (CEO) và Giám đốc kinh doanh do Gartner thực hiện năm 2023 cho thấy, 26% CEO tin rằng rủi ro gây thiệt hại lớn nhất cho tổ chức, doanh nghiệp của họ là việc thiếu hụt nhân tài. Do đó, ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển lực lượng lao động là tìm cách thu hút và giữ chân nhân tài.
5. Tăng cường kết nối lực lượng lao động (ACWF)
ACWF là chiến lược nhằm tối ưu hóa giá trị thu được từ con người. ACWF sử dụng các ứng dụng thông minh và phân tích lực lượng lao động để cung cấp thông tin về bối cảnh nguồn lực lao động và định hướng hỗ trợ người lao động có những trải nghiệm và khả năng phát triển kỹ năng. Đồng thời, ACWF hỗ trợ phát triển kết quả kinh doanh và tác động tích cực đến các bên liên quan chính. Đến năm 2027, 25% CIO sẽ sử dụng các sáng kiến ACWF để giảm 50% thời gian nâng cao năng lực cho các vị trí quan trọng.
6. Quản lý khả năng tiếp xúc với mối đe dọa liên tục (CTEM)
CTEM là cách tiếp cận thực tế và có hệ thống cho phép các tổ chức đánh giá khả năng tiếp cận, mức độ tiếp xúc và khả năng khai thác tài sản vật lý và kỹ thuật số của doanh nghiệp theo cách liên tục và nhất quán. Việc điều chỉnh phạm vi đánh giá và khắc phục CTEM sao cho phù hợp với các mối đe dọa hoặc dự án kinh doanh, thay vì yếu tố hạ tầng, không chỉ giúp phát hiện các lỗ hổng mà còn cả các mối đe dọa khó lường. Đến năm 2026, Gartner dự đoán các tổ chức ưu tiên đầu tư bảo mật dựa vào các chương trình CTEM, sẽ giảm được 2/3 số vụ tấn công.
7. Khách hàng “máy móc”
Gartner định nghĩa khách hàng máy móc hay còn gọi là custobot, là một tác nhân không phải con người có thể “tự thương lượng và mua hàng hóa, dịch vụ để thực hiện giao dịch thanh toán”. Đến năm 2028, ước tính sẽ có khoảng 15 tỷ sản phẩm được kết nối có tiềm năng trở thành “khách hàng” và sẽ có thêm hàng tỷ sản phẩm nữa trong những năm tới. Xu hướng tăng trưởng này sẽ mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đô la vào năm 2030 và cuối cùng trở nên quan trọng hơn nhiều so với sự xuất hiện của thương mại số.
8. Công nghệ bền vững
Việc ứng dụng các công nghệ như AI, tiền điện tử, IoT và điện toán đám mây đang làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ năng lượng liên quan và các tác động đến môi trường. Theo dự báo của Gartner, đến năm 2027, 25% CIO cho rằng tiền lương của họ sẽ gắn liền với tác động của họ đến công nghệ bền vững.
9. Kỹ thuật nền tảng
Kỹ thuật nền tảng liên quan đến việc xây dựng và vận hành các nền tảng phát triển nội bộ tự phục vụ. Mỗi nền tảng là một lớp, được tạo nên và duy trì bởi một nhóm sản phẩm chuyên dụng, được thiết kế để hỗ trợ nhu cầu của người dùng thông qua kết nối với các công cụ và quy trình. Mục tiêu của kỹ thuật nền tảng là tối ưu hóa năng suất, trải nghiệm người dùng và đẩy nhanh việc phân phối giá trị doanh nghiệp.
10. Nền tảng đám mây công nghiệp
Gartner dự đoán đến năm 2027, hơn 70% doanh nghiệp sẽ sử dụng nền tảng đám mây công nghiệp (ICP) để đẩy mạnh các sáng kiến kinh doanh của họ, từ mức dưới 15% năm 2023. ICP xử lý các kết quả kinh doanh liên quan đến ngành bằng cách kết hợp các dịch vụ SaaS, PaaS và IaaS cơ bản thành một sản phẩm tổng hợp hoàn chỉnh. ICP có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng ngành và theo nhu cầu của tổ chức.
Theo Technologymagazine, 1/2024